Đánh
trúng tâm lý của nhiều người khi dịch sốt xuất huyết đang ở mức 'báo động đỏ',
các sản phẩm tinh dầu đuổi muỗi đã được rao bán tràn lan. Tuy nhiên, phần đông
người dùng lại không nắm rõ tác dụng và tác hại khôn lường của 'con dao hai
lưỡi' này.
Rối loạn giá cả
Bên cạnh những giải pháp truyền thống
như phun thuốc diệt muỗi, đốt hương muỗi, thuốc bôi ngoài da… thì tinh dầu sả chanh
được xem là sản phẩm ăn theo “nóng” nhất mùa dịch sốt xuất huyết hiện nay. Chị
Ánh Dương (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà ở tầng 5 chung cư nên gia đình
không có thói quen mắc màn khi đi ngủ. Tuy nhiên, gần đây trong nhà xuất hiện
khá nhiều muỗi. Để tránh cho đứa con nhỏ mới 5 tuổi không bị rơi vào dịch, chị
Dương đã dùng máy xông tinh dầu 24/24 giờ để... đuổi muỗi.
“Tìm hiểu trên mạng tôi thấy nhiều quảng
cáo nói đến công dụng tuyệt đối an toàn của tinh dầu sả chanh. Mùi thơm tinh
dầu có tác dụng xua đuổi chứ không diệt muỗi, do đó không gây hại đến sức khỏe
con người. Vì thế, tôi đã đầu tư mua bộ đèn xông và tinh dầu hết gần 600.000
đồng. Hơn 1 tháng qua trong nhà tôi lúc nào trong nhà cũng có mùi thơm dịu mát
sả chanh”, chị Dương vui mừng nói.
Do nhu cầu lớn từ phía người tiêu dùng
nên thị trường nguồn cung cũng rất đa dạng từ xuất xứ đến giá tiền. Dạo qua
những tiệm thuốc tây trên đường Doãn Kế Thiện, Đê La Thành… hoặc những shop bán
đồ tiêu dùng cho mẹ và bé, người mua dễ dàng nhận được rất nhiều lời tư vấn về
sản phẩm tinh dầu sả chanh đuổi muỗi. Thậm chí khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà
đặt mua hàng online từ các trang quảng cáo hay những Fanpage trên mạng xã hội
Facebook. Điều đáng nói là ngoài giá cả chênh lệch khá nhiều thì chất lượng sản
phẩm cũng không đồng nhất. Khách mua hàng chủ yếu dựa vào lời cam kết “không
hóa chất và siêu an toàn cho trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai” từ người bán.
Theo khảo sát của phóng viên, cùng là
tinh dầu sả chanh, lọ 50ml và lọ 100ml được giới thiệu nhập khẩu trực tiếp từ
Ấn Độ có giá bán 150.000-250.000 đồng/1 lọ, nhưng tại một địa chỉ khác lại có
giá 200.000-300.000 đồng/1 lọ. Tuy nhiên, có nơi lọ 10ml đã có giá 105.000 đồng
hoặc 60.000 đồng. Trong khi đó, sản phẩm 10ml được cho là cơ sở trong nước sản
xuất hoặc gia đình sản xuất thủ công có giá 80.000 đồng. Tương tự, máy đuổi
muỗi xông tinh dầu Nhật Bản 60 ngày mức lại giá chênh nhau từ 210.000 đồng đến
320.000 đồng.
Trên trang cá nhân có tên U.E.S, khi
giới thiệu sản phẩm tinh dầu sả chanh do gia đình tự chưng cất, có giá 80.000
đồng/lọ 10ml tặng kèm lọ xịt. Người bán còn ghi tỉ mỉ kinh nghiệm đuổi muỗi
trong mùa dịch sốt xuất huyết cho con như sau: “Trời nhá nhem tối, mình thoa
một giọt tinh dầu vào ống chân quần, tay áo, cổ áo của con trai bé nhỏ để muỗi
tránh xa. Nếu muốn thoa trực tiếp lên da cần pha với một chút tinh dầu dừa để
làm loãng tinh dầu sả chanh và để lưu giữ tinh dầu trên da lâu hơn”. Ngược lại,
người bán có tên B.H.N lại hướng dẫn cách dùng khác: “Tinh dầu sả chanh các mẹ
yên tâm có thể bôi trực tiếp lên da bé, dùng làm tinh dầu massage thư giãn cực
kì dễ chịu ạ”.
Gắn từ khóa sốt xuất huyết vào tên gọi
của shop bán online, một lọ tinh dầu sả chanh 50ml sản xuất trong nước có giá
149.000 đồng sẽ giảm xuống 129.000 đồng nếu người mua Like (thích) page hoặc
chia sẻ bài viết. Khi được hỏi đến sự an toàn cho da mẫn cảm, người bán cam
đoan đã bán mấy nghìn hộp nhưng chưa thấy ai kêu dị ứng vì tinh dầu rất lành.
Theo tư vấn, nếu mua để đuổi muỗi có thể dùng với đèn xông tinh dầu hoặc nhỏ
7-10 giọt tinh dầu để lau nhà, nhỏ vào các ngóc ngách trong nhà để đuổi muỗi.
Đổ bệnh vì tinh dầu
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay- nguyên
Trưởng Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh), mùi vị
của cây sả chanh làm tê liệt thần kinh của muỗi và khiến chúng bị mất phương
hướng. Do đó, tinh dầu sả chanh cũng có tác dụng rất tốt trong việc xua đuổi
muỗi, phòng chống sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, vị bác sĩ cũng khuyến cáo,
trên thị trường có nhiều loại tinh dầu giá rẻ, thường là hương liệu tổng hợp.
Một số chất trong tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể như toluen, aceton,
focmaldehit… có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ
thần kinh. Những sản phẩm có mùi càng thơm, hương lưu lâu càng chứa nhiều hóa
chất. Nguy hại nhất là tinh dầu thơm hóa học có nguồn gốc dạng benzene đa vòng
thơm và các dẫn chất của benzene.
“Benzene là một hóa chất có trong danh
sách các chất được công nhận có thể gây ung thư trên con người. Nếu làm việc ở
nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene
lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên
hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả
là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm
chất lượng tinh trùng, gây thiếu máu, rối loạn hồng cầu”, PGS.TS Bay nhấn mạnh.
Th.BS Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp
cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ: “Gốc rễ vấn đề là phải diệt
lăng quăng, bọ gậy trong vũng nước. Nếu để nở thành muỗi thì đuổi theo rất khó.
Nhà có trẻ nhỏ nên để trẻ trong màn, trẻ lớn hơn cần lưu ý mặc quần áo dài và
chơi trong căn phòng đủ ánh sáng thì muỗi ít hoạt động hơn”.
Ngoài ra, tùy theo cơ địa của mỗi người
có thể xảy ra phản ứng nhạy cảm khác nhau. Việc sử dụng tinh dầu nồng độ cao có
thể gây ra phỏng. Đặc biệt, với người có bệnh hen suyễn mãn tính, da dễ phản
ứng nhạy cảm, gia đình có trẻ sơ sinh không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với tinh
dầu. Đối với những người dị ứng mùi thơm khi tiếp xúc với hóa chất có mùi sẽ bị
nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát...
Thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ. Đa số cơ thể không
thể hiện phản ứng hương thơm trong thời gian ngắn, mà chỉ phản ứng khi bị tác
động lâu dài, "tích" đủ lượng… thì sẽ gây tổn hại sức khỏe.
Vị bác sĩ cũng cho biết, từng có bệnh
nhân bị dị ứng do dùng tinh dầu tiếp xúc trực tiếp với da, dẫn đến viêm loét da
nặng. “Tinh dầu được chưng cất và chiết xuất từ thiên nhiên. Vì vậy nồng độ các
thành phần trong tinh dầu nguyên chất rất cao. Người dùng tinh dầu loại này sẽ
tạo nên chất dư thừa và có thể phản tác dụng”, PGS.TS Bay giải thích thêm.
Theo các chuyên gia, một loại tinh dầu
không dùng quá 3 tuần, tránh dùng hàng ngày để da không bị phụ thuộc, giảm hiệu
quả. Nếu dùng tinh dầu hỗn hợp có thể dùng liên tiếp trong 3 tháng nhưng không
quá 6 tháng. Người lần đầu sử dụng nên thực hiện một bài test bằng cách nhỏ một
giọt tinh dầu nguyên chất vào 10ml nước ấm rồi lắc đều. Sau đó thoa lên vùng da
mỏng nhất để thử phản ứng trong vòng 24 giờ.
Mai Phương